Xem đá bóng nhiều nhưng có bao giờ bạn thắc mắc về ý nghĩa của những con số trên áo đấu của những cầu thủ không? Nó xuất hiện từ khi nào và muốn thể hiện điều gì? Số 7 trên áo cầu thủ Ronaldo cũng đã là 1 phần trong thương hiệu CR7 của anh. Đó liệu có phải là con số yêu thích của anh chàng hay không? Nếu bạn quan tâm về điều này, hãy tham khảo bài viết dưới đây của chúng tôi. Chúng tôi sẽ giải mã lịch sử của những con số và điển hình là số 7 huyền thoại của Ronaldo.
Số mang trên áo dùng để nhận diện cầu thủ
Việc Cristiano Ronaldo được dùng áo số 7 dù trước đó nó thuộc về Edison Cavani là ngoại lệ tại Anh – nơi có lịch sử thú vị về những số áo thi đấu. Thế kỷ 19, khi bóng đá cấp CLB mới phổ biến tại Anh, các cầu thủ ra sân mà không có số áo. Thay vào đó, họ được ghi nhận bằng vị trí trên sân. Hầu như mọi đội bóng đều chơi với sơ đồ 2-3-5 gồm hai hậu vệ cánh; ba hậu vệ trung tâm và năm tiền đạo. Khi ấy chưa có luật thay người, dẫn tới việc nắm bắt cầu thủ rất dễ dàng.
Mãi tới tháng 8/1928, việc cầu thủ ra sân với số áo mới được ghi nhận khi Arsenal và Chelsea lần lượt gặp Sheffield Wednesday và Swansea Town. Ở cấp độ đội tuyển, Anh chỉ bắt đầu mặc áo có số vào năm 1937; khi họ đánh bại Na Uy với tỷ số 6-0 tại Oslo. Tới năm 1939, Uỷ ban Quản lý bóng đá Anh đưa ra quyết định mọi đội bóng đều phải có cầu thủ mặc số áo từ 1 tới 11. Từ năm 1965, một cầu thủ dự bị được mặc số 12 và khi luật cho phép thay hai người từ năm 1987; các cầu thủ dự bị thường có thêm số 14 (do 13 được xem là con số đen đủi).
Ý nghĩa của từng con số đối với từng vị trí của cầu thủ trong trận đấu
Khi sơ đồ 4-4-2 trở nên phổ biến, các con số thay đổi ý nghĩa nhiều so với thời sơ đồ 2-3-5. Trong đó, thủ môn mang số 1, số 2 và 3 thuộc về các hậu vệ cánh trái và phải, số 5 và 6 của hai trung vệ, số 4 và 8 dành cho hai tiền vệ trung tâm, số 7 và 11 thuộc về những tiền vệ cánh còn cặp tiền đạo mang số 9 và 10. Nhưng không phải quốc gia nào cũng tuân theo quy luật trên.
Vào thập niên 1950, đội tuyển Hungary đánh số hậu vệ từ 2 tới 4; trong khi số 5 chơi tiền vệ thay vì trung vệ. Năm 1953, Anh từng thua Hungary 6-3 trong trận đấu mà các cầu thủ Anh gặp khó khăn trong việc nắm bắt cầu thủ đối phương với số áo không thường thấy tại những vị trí trên sân. Một ví dụ thú vị khác là Argentina vô địch World Cup 1978 từng đánh số theo thứ tự ABC; dẫn tới việc tiền vệ Norberto Alonso được mặc áo … số 1 vốn dành cho thủ môn.
Số 7 trên áo của Ronaldo là của Edinson Cavani
Mãi tới năm 1993, Ban tổ chức Ngoại hạng Anh mới gạt bỏ hệ thống cũ và yêu cầu các đội giữ nguyên số áo cầu thủ trong cả mùa, chủ yếu để dễ dàng nhận diện cầu thủ. Trong mùa giải đó, có đến 37 số áo khác nhau được đăng ký. Các giải đấu khác nhanh chóng học theo. Với các HLV, những số áo thấp thường được dành cho những cầu thủ thường xuyên đá chính.
Tròn 10 năm sau, khi chân ướt chân ráo tới Man Utd, Cristiano Ronaldo muốn chọn số 28 như từng mặc ở Sporting Lisbon. Song HLV Alex Ferguson đề nghị anh kế tục chiếc áo số 7 mà David Beckham để lại. Trong lịch sử Man Utd, số 7 gắn liền với những huyền thoại như George Best, Eric Cantona hay Beckham, do vậy áp lực trên vai Ronaldo là không nhỏ. Nhưng trong sáu năm tại Old Trafford, anh đã làm nên thương hiệu CR7.
Và khi Ronaldo trở lại hè này, ngoại lệ được tạo ra để anh được mặc áo số 7; vốn đã đăng ký cho Edinson Cavani từ đầu mùa. Theo đó, tiền đạo người Uruguay sẽ chuyển sang số 21 mà Daniel James để lại sau khi chuyển sang Leeds United. “Tôi không chắc có thể được nhận áo số 7 một lần nữa hay không. Vì thế, tôi muốn cảm ơn Edinson vì cử chỉ tuyệt vời này”, Ronaldo nói trên trang chủ Man Utd. Việc chiếc áo số 7 của Ronaldo nhanh chóng cháy hàng tại các cửa hàng trực tuyến lẫn ngoài đời; cho thấy bước đi đúng đắn của Man Utd.
Ronaldo là cầu thủ Bồ Đào Nha đầu tiên của Man Utd
Ronaldo trở thành cầu thủ Bồ Đào Nha đầu tiên của Man Utd; sau khi hoàn tất vụ chuyển nhượng trị giá khoảng 19 triệu USD (12,24 triệu bảng) từ Sporting Lisbon hè 2003. Anh cũng là cầu thủ tuổi teen đắt giá nhất trong lịch sử bóng đá Anh lúc ấy; và được Alex Ferguson kỳ vọng thay thế vị trí David Beckham để lại. 2003 cũng là năm chứng kiến sự chuyển giao ở Man Utd. Ngoài Ronaldo, nhiều cầu thủ mới được mang về như Kleberson, Tim Howard, David Bellion; hay Eric Djemba-Djemba, nhưng chỉ mình cầu thủ người Bồ Đào Nha trụ lại.