Kỹ thuật phòng thủ bóng rổ tốt sẽ tạo nên một chiến thắng bóng rổ hoàn hảo. Nếu đội không phòng ngự hoặc đội hình phòng ngự kém hiệu quả thì mọi nỗ lực giành chiến thắng của đội sẽ trở nên vô ích. Trên thực tế, các đội bóng thành công đều rất quan tâm đến việc tổ chức phòng ngự.
Bản chất và đặc điểm của phương pháp di chuyển của người phòng thủ trên sân phụ thuộc vào tình huống cụ thể và ý định của cầu thủ và đồng đội để thực hiện các động tác phòng ngự cá nhân một cách chủ động, độc lập và phối hợp. Nào cùng với kryoflex.com tìm hiểu chi tiết kỹ thuật di chuyển khi phòng thủ trong bóng rổ qua bài viết bên dưới này nhé!
Kỹ thuật phòng thủ cá nhân trong bóng rổ
Phòng thủ cá nhân là cơ sở của phòng thủ toàn đội. Muốn phòng thủ cá nhân tốt thì các cầu thủ phải thực hiện theo các nguyên tắc sau:
- Kèm người không có bóng thì phải nhìn người và nhìn bóng để một mặt để một mặt không cho người tấn công lọt vào, mặt khác có thể cắt được các đường bóng chuyển đến cho người mình kèm hoặc hỗ trợ cho đồng đội.
- Người phòng thủ phải chiếm vị trí đứng sao cho rổ, người phòng thủ, người tấn công ở cùng một đường thẳng.
- Phải luôn uy hiếp người có bóng bằng cách kèm chặt để họ không thể tự do ném rổ, dẫn, chuyền bóng hoặc tiến vào rổ dễ dàng.
- Người phòng thủ phải giành thế chủ động, hạn chế động tác chuyền bắt bóng của đối phương, phải phán đoán được ý định của người tấn công để kịp thời ngăn chặn.
- Khi kèm trung phong phải luôn luôn chiếm vị trí có lợi nhất đẩy họ ra xa khu rổ của mình.
Cách thực hiện kỹ thuật di chuyển trong phòng thủ bóng rổ
Tư thế cơ bản
Tư thế đứng chân trước chân sau
Ở tư thế này khoảng cách hai chân rộng bằng vai, 2 gối khuỵu 2 gót chân hơi kiễng, thân trên hơi ngả về trước, trọng tâm ở giữa 2 chân. Tay cùng bên với chân trước giơ lên cao, tay kia dang ngang sang bên cạnh.
Ưu điểm: Dễ di chuyển trước sau. Diện quan sát rộng.
Nhược điểm: Di động sang trái, sang phải chậm. Diện đứng phòng thủ hẹp.
Tư thế đứng hai chân đặt song song
Hai chân đứng song song, tách rộng hơn vai, 2 gối khuỵu, 2 gót hơi kiễng thân trên hơi ngả về trước. Trọng tâm dồn vào giữa 2 chân.
Ưu điểm: Di động sang 2 bên nhanh, diện phòng thủ lớn.
Nhược điểm: Di động trước sau và bật nhảy chậm.
Động tác di chuyển
Hướng và tính chất di chuyển của người phòng thủ thông thường phụ thuộc vào những động tác của người tấn công. Bởi vậy người phòng thủ cần luôn giữ tư thế thăng bằng và sẵn sàng di chuyển theo bất kỳ hướng nào.
Các phương pháp chạy, chạy biến tốc, chạy lùi, dừng nhảy được người phòng thủ sử dụng như đã mô tả trên cũng được sử dụng trong tấn công. Tuy nhiên trong một loạt trường hợp cũng có sự khác biệt so với người tấn công, người phòng thủ ở đây cần phải di động trên hai chân hơi khuỵu bằng các bước nối tiếp gọi là các bước trượt. Bao gồm 3 loại: trượt ngang, trượt tiến, trượt lùi.
Trượt ngang
Bắt đầu từ tư thế hai chân đứng song song, hai đầu gối khuỵu; thân người hạ thấp, mắt quan sát đối phương. Khi di chuyển sang bên trái, dùng sức của má trong bàn chân phải đạp đất; tiếp đó chân trái di chuyển về phía bên trái. Khi bàn chân trái vừa chạm đất trọng tâm chuyển sang chân trái, đồng thời chân phải nhanh chóng di chuyển theo sang bên trái, tay để tự nhiên, thân người giữ ở tư thế ban đầu. Nếu tiếp dục di chuyển sang trái hai chân sẽ trượt liên tục như trên.
Trượt tiến
Sử dụng khi đối phương có bóng ở khoảng cách gần hoặc khi họ dẫn bóng lên; người phòng thủ dùng bước trượt về phía trước để nhanh chóng lên sát đối phương. Khi trượt về phía trước, dùng má trong của bàn chân sau xoay chếch đạp đất, chân trước nhấc khỏi mặt đất bước về phía trước. Khi chân trước vừa chạm đất, chân sau kéo trượt theo ngay và cứ thế 2 chân lần lượt trượt về trước. Hai tay kết hợp nhịp nhàng với 2 chân, tay của chân trước luôn giơ lên cao trước mặt, tay kia dang ngang.
Trượt lùi
Sử dụng khi đối phương không có bóng hoặc dẫn bóng di chuyển ngược với hướng của người phòng thủ. Khi trượt về sau, dùng lực của nửa bàn chân trước đạp đất; chân sau xoay chếch khỏi mặt đất bước lùi về sau. Khi chân sau vừa chạm đất; chân trước trượt lùi theo ngay và cứ thế 2 chân lần trượt về sau.
Một số sai lầm thường gặp và phương pháp sửa chữa
Sai lầm: Tốc độ trượt chậm, thân người không thăng bằng.
Phương pháp sửa chữa: Tập tại chỗ cách đạp chân về các hướng khác nhau; thân người luôn hạ thấp, không nhấp nhô, bàn chân trượt không nhấc cao.
Sai lầm: Khi chuyển hướng các bước trượt bị chậm.
Phương pháp sửa chữa: Tập tốc độ chậm để di chuyển các bước trượt ngang; trước, sau, tập có người tấn công di chuyển về các hướng khác nhau để người phòng thủ trượt theo.
Sai lầm: Phối hợp tay chân không nhịp nhàng.
Phương pháp sửa chữa: Khi tập chân đã thành thạo với các bước trượt thì tập phối hợp với tay. Trượt ngang về bên nào tay bên đó phải hạ thấp. Trượt tiến, lùi thì tay nào cùng bên với chân phía trước giơ lên cao; tay cùng bên với chân sau dang ngang.